Người thầy không thích nghe “Bụi phấn“
Tôi có 1 người thầy từng dặn học trò của mình đừng bao giờ hát bài ấy.
Bọn học trò chẳng đứa nào dám hỏi nguyên nhân. Chúng tôi chỉ tiếc là không được hát tặng thầy 1 ca khúc mà bất kì ai cũng thuộc lòng từ nhỏ.
Sau này lớn hơn 1 chút, tôi nghe lại nhiều lần Bụi phấn mới ngờ ngợ đoán ra câu trả lời.
Chẳng ai nhận ra được sự thay đổi cho tới khi trưởng thành. Chợt nhìn lại mới thấy mọi thứ đã xa khác theo thời gian. Năm tháng, màu trắng của bụi phấn giờ đã trở thành màu tóc của thầy. Tâm hồn của cô cậu học trò đã lớn lên từ những bụi phấn, chất chứa biết bao sự ân cần, trìu mến với những bài học từng ngày tuôn chảy.
Chẳng ai muốn tóc bạc.
Chẳng ai muốn xa rời những thân thuộc ngày ngày.
Thầy tôi, chắc sẽ cô đơn lắm nếu không còn cầm viên phấn, cây thước hay quyển tập.
…
“Bụi phấn“ ra mắt cách đây 36 năm, đúng vào ngày Nhà giáo Việt Nam năm 1982. Bài hát do nhạc sĩ Vũ Hoàng viết tiếp và phổ nhạc từ 6 câu thơ của nhà thơ Lê Văn Lộc.
“Khi Thầy viết bảng
Bụi phấn rơi rơi
Có hạt bụi nào
Rơi trên bục giảng
Có hạt bụi nào
Vương trên tóc Thầy.”
Mỗi lần nghe những giai điệu này tôi đều xúc động. Tôi nhớ tuổi thơ và nhớ đến bây giờ, có những người thầy tôi quên mất, có những người thầy đọng lại thật lâu trong trí nhớ, như một hành trình dài tôi bước đi may mắn gặp được những người nâng đỡ.
Bài hát vẫn tiếp tục cất lên.
“Em yêu phút giây này
Thầy em, tóc như bạc thêm
Bạc thêm vì bụi phấn
Cho em bài học hay.Mai sau lớn nên người
Làm sao có thể nào quên ?
Ngày xưa Thầy dạy dỗ
Khi em tuổi còn thơ.”
Dẫu thời gian có trôi đến bao giờ và cuộc đời này biến đổi vô tận, thì mãi mãi “bụi phấn” vẫn rơi, và cứ rơi qua tất cả thế hệ.
Kể vài chuyện bên lề:
- Bụi phấn là bài hát đầu tiên mình biết hát. Mẹ tập cho mình lúc ở Kon Tum. Đến mẫu giáo, mẹ dẫn mình về quê ở với Ngoại, mình đã hát bài này như một màn chào hỏi.
- Bụi phấn cũng là bài đầu tiên mình hát Karaoke.
- Mình cũng hát bài này để tham gia vòng gửi xe cuộc thi hát ở trường tiểu học.
- Mẹ mình là giáo viên, đã từng đứng lớp dạy mình 1 tiết học Tiếng Việt năm lớp 2. Cô giáo mẹ có bắt học sinh con đứng dậy nói Đại ý của bài. Mình ngập ngừng không biết trả lời bắt đầu bằng câu “Dạ thưa cô” hay “Dạ thưa mẹ”. Bữa đấy đứng trước bao người, gọi mẹ là “cô”, cảm thấy day dứt như vừa phạm lỗi.
Rất nhẹ nhàng, rất đáng yêu ^^